Trương Chí Đạt, người quận Thiên Thủy, viết chữ rất khéo, nhưng thích đạo Lão, không tin Phật pháp.
Một hôm, ông đến chơi nhà bạn, thấy đang chép kinh Đại Bát Nhã, lại ngỡ là kinh đạo tiên, hỏi:
– Anh viết kinh Lão Tử đó phải không?
Người bạn đùa cợt đáp:
– Phải.
Chí Đạt mừng rỡ, lại giành bút chép vừa được ba hàng, biết chẳng phải kinh đạo tiên, giận dỗi đứng dậy bỏ ra về.
Qua ba năm, Chí Đạt bị bệnh rồi chết, trải qua một đêm bỗng sống lại rơi lệ thương khóc. Hôm sau, ông liền đến nhà bạn cũ, vừa mừng vừa cảm, sám hối tạ lỗi rằng:
– Anh thật là bậc đại thiện tri thức, khiến cho tôi được sống lâu, được phước cõi trời, mà tôi mê lầm không biết, ngày trước lại nổi giận với anh !
Người bạn kinh lạ hỏi:
– Tại sao anh lại nói lời ấy?
Chí Đạt đáp:
– Tôi chết xuống âm ty, vua Diêm la trông thấy quở rằng: “Ngươi là kẻ ngu si, chỉ tin tà kiến, không biết Phật pháp!”. Nói xong, Diêm vương tra sổ bộ, đọc kể tội ác hơn hai mươi trang giấy. Chỉ còn nửa trang, Diêm vương bỗng chăm chú nhìn xem rồi mỉm cười bảo: “Ngươi có công đức lớn, là đã đến nhà bạn thân chép được ba hàng kinh Đại Bát Nhã, nay ân xá cho ngươi trở về nhân gian, hãy cố gắng thọ trì kinh ấy”.
Thuật xong, ông nói tiếp:
– Nhờ anh mà tôi được hoàn sinh, biết đường lối tu tập chân chính, đó chẳng phải là ân lớn sao?
Hàn huyên giây lát, Chí Đạt liền trở về nhà, xuất tiền mua giấy bút, rồi từ đó ở yên nơi thư phòng, chép được tám bộ kinh Đại Bát Nhã. Chép xong, ông thiết lễ trang nghiêm để cúng dường.
Năm được tám mươi ba tuổi, Chí Đạt không bệnh mà mãn phần. Trước khi chết, ông bảo người nhà rằng:
– Ta thấy nơi thân mình hiện ra đôi cánh, toàn là văn kinh Đại Bát Nhã. Có một ngàn Đức Phật đến rước ta vãng sinh về Tịnh độ.
Nói xong, ngồi chắp tay yên ổn qua đời.
CỘNG ĐỒNG THIỀN CA VIỆT NAM
|