,

Vì sao phải sám hối?

Biên tập ngày

Đức Phật dạy: “Có hai hạng người mạnh nhất – Một là không tạo tội, hai là biết ăn năn” và “Nếu không có pháp sám hối thì tất cả đệ tử Phật không thể giải thoát”.
Nhờ sám hối nên vua A Xà Thế phạm tội ngũ nghịch (giết cha) được giải thoát.
Ông Trương Thiện Hòa sát sinh vô số cũng không đọa địa ngục, vì biết hối hận.
Có một điều đáng chú ý nhất là thân nghiệp và khẩu nghiệp thô tháo bên ngoài dễ trừ. Duy có ý nghiệp, vi tế bên trong, rất khó diệt. Đến quả vị Phật mới hết tham, sân, si. Do đó người phát đại tâm phải y cứ vào sám pháp đại thừa mới mong chóng trừ diệt được ba độc.
Ngài Phổ Hiển Bồ tát là Trưởng tử của Phật trên Hội Hoa Nghiêm còn phải phát đại nguyện. Ngài nguyện sám hối mãi cho đến cùng tận đời vị lai. Nếu phiền não và nghiệp chướng của chúng sinh không cùng tận thì sự sám hối của Ngài cũng không bao giờ cùng tận.
Trong kinh Viên Giác, Đức Phật dạy: “Các vị đại Bồ tát lúc lập đạo tràng an cư từ 7 ngày cho đến 21 ngày đầu, sám hối nghiệp chướng”.
Trong kinh Bảo Tích, Phật dạy: “Hàng ngày nên đỉnh lễ danh hiệu 35 vị Phật trong kinh ấy mà sám hối nghiệp chướng”.
Trong luật pháp mà nhà nước ban hành thì người phạm tội mà biết ăn năn, sám hối cũng có thể được giảm nhẹ hình phạt
Trong luận thì pháp sám hối được giải thích rõ ràng và quyết định sám hối là một việc cần phải có của người chân tu, không thể thiếu sót.
 

1. Vì sao phải sám hối?

Thiền sư Thích Nhất Hạnh có một bài kệ về sám hối thế này:

“Con đã gây ra bao lầm lỡ

Khi nói khi làm khi tư duy

Đam mê, hờn giận và ngu si

Nay con cúi đầu xin sám hối.

Một lòng xin cầu Bụt chứng tri

Bắt đầu hôm nay nguyện làm mới

Nguyện sống đêm ngày trong chánh niệm

Nguyện không lặp lại lỗi lầm xưa

Nam mô Bồ tát Cầu Sám Hối.”

Chúng ta mỗi một ngày đây, dù vô tình hay cố ý cũng đã gây ra biết bao nhiêu những tội lỗi về Thân – Khẩu – Ý, thì kể chi tới trải qua vô lượng kiếp thì làm sao mà biết được đã từng phạm lỗi gì ra sao. Vậy nên việc sám hối là điều thực sự rất nên làm.

Sám hối có thể hết tội hay không?

“Bao nhiêu lầm lỗi cũng do tâm

Tâm tịnh còn đâu dấu lỗi lầm

Sám hối xong rồi lòng nhẹ nhõm

Ngàn xưa mây bạc vẫn thong dong.”

                                Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Sám hối đúng pháp sẽ hết nghiệp nhân xấu và sẽ làm tiêu và nhẹ nghiệp quả xấu rất nhiều. Nghĩa là khi nhận rõ được các lỗi lầm đã tạo ra nhờ trí tuệ Phật pháp soi rọi mà nguyện từ bỏ việc ác mãi mãi thì từ đây tội lỗi không còn bị chồng chất lên nữa và những tội lỗi xưa nhờ đó mà được nhẹ bớt.

Sám hối như nước chảy đá mòn

2. Sám hối là tội tiêu hết hay là sạch hết tội hay không?

Có một người thầy đã ví sám hối như hình ảnh “nước chảy đá mòn”. Có nghĩa là, sám hối thì tội nó vẫn còn ở đó, như cục đá kia, chứ đâu phải mất đi liền được đâu. Nhưng ngay khi lòng chúng ta thật tâm sám hối, cúi đầu lạy hứa chừa lỗi lầm không tái phạm, trong mỗi lạy chúng ta cúi xuống là quá khứ từ bỏ, không khởi niệm tương lai, chỉ sống ở giây phút hiện tại (niệm trước không sanh, niệm sau không khởi).

Dần dà, khi đủ định lực và sám hối thường xuyên thì cũng như nước chảy xuống một chỗ hoài. Năm này qua tháng nọ thì cục đá to cỡ nào cũng sẽ bị mòn đi. Như là tội lỗi của chúng ta sẽ tiêu trừ và dần biến mất.

Cũng như bạn ăn một nắm muối thì thấy mặn chát khó ăn, nhưng khi bỏ nắm muối vào 10 lít nước uống từ từ vài ngày thì bạn sẽ không cảm thấy mặn chát nữa. Hay hơn nữa là bỏ vào trong hồ nước lớn thì vị mặn ấy xem như không còn cảm nhận được gì.

Nếu như ai gặp thắng duyên mà sám hối từ bỏ được gốc rễ tham, sân, si thì mãi mãi sẽ không còn khổ đau, các nghiệp xấu chỉ là cái quả dư nghiệp như một cơn gió thổi qua nhanh mà không trở lại nữa.

Nên cùng với duy trì sám hối thì chúng ta nên làm những điều thiện phước như bố thí, cúng dường, giúp đỡ, chia sẻ… để tội chướng sẽ được tiêu giảm.

CỘNG ĐỒNG THIỀN CA VIỆT NAM
  • Địa chỉ: Tầng 3, 174C Đội Cấn, Hà Nội
  • Hotline: 090 888 5999
  • Website: www.thienca.vn
  • Fanpage: Thiền Ca Việt Nam
  • Nhóm: Cộng đồng Thiền Ca Việt Nam
  • Nhóm Zalo: Tham gia tại ĐÂY