Theo cách nói của các nhà Thiền định: tịnh tâm có nghĩa là định và quán. Định là ngưng lại, quán là nhìn thấy, là tuệ (sự sáng, minh tâm). Khi bạn tỏ ngộ được tâm thái tĩnh lặng đầy tự do an nghỉ trong mình, bạn sẽ tự khắc có những phút thăng hoa, mọi hành vi, động thái của bạn đều được soi rọi đúng mức, bạn hoàn toàn nhận thức được điều đó.
Thiền là phép dưỡng sinh cổ truyền từ Ấn Độ. Theo tiếng Phạn (ngôn ngữ cổ của Ấn Độ), Thiền được gọi là Dhyana. Sau đó, khi nhu nhập vào Trung Quốc, Thiền được phiên âm sang chữ Hán gọi là Thiền-na. Việt Nam cũng gọi theo cách đó: Thiền.
Phép Thiền được thể hiện ở hai trạng thái: Định thiền và Hành thiền. Định thiền là Thiền trong trạng thái tĩnh (không động) như: ngồi, đứng, nằm thiền. Hành thiền là Thiền trong trạng thái động như: nói năng, ăn uống, đi lại, tắm giặt, vệ sinh. Thiền trong từng bước đi, Thiền trong từng lời nói, Thiền cả lúc làm việc,… Chính vì lẽ đó, Thiền không hề cố chấp bởi một hình thức nào (Thiền không chấp tướng). Tuy nhiên, trong quá trình thực hành người ta nhận thấy rằng, trong trạng thái Định thiền với phương pháp ngồi thiền (tọa thiền) sẽ đạt hiệu quả cao nhất. Trong 4 kiểu ngồi: ngồi kiết già, ngồi bán kiết già, ngồi xếp bằng, ngồi trên ghế,… thì kiểu ngồi kiết già – phép Thiền Phật – được thực hành phổ biến. Vì đây là phép Thiền có cách ngồi vững chãi nhất, sớm tịnh tâm, định ý, thu được nguồn năng lượng dồi dào. Do vậy, khi nói đến Thiền thì người ta nghĩ ngay đến Thiền định với phương pháp ngồi thiền.
Ngồi cùng kết hợp với các động thái đặc thù khác của từng môn phái mà nhanh chóng đưa bạn đến tịnh tâm, định ý trong phép ngồi thiền. Ngồi thiền giúp bạn rũ bỏ những ý nghĩ từng bận tâm, nhiều tạp niệm cứ hỗn độn, lẩn khuất trong đầu. Theo cách nói của các nhà Thiền định: tịnh tâm có nghĩa là định và quán. Định là ngưng lại, quán là nhìn thấy, là tuệ (sự sáng, minh tâm). Khi bạn tỏ ngộ được tâm thái tĩnh lặng đầy tự do an nghỉ trong mình, bạn sẽ tự khắc có những phút thăng hoa, mọi hành vi, động thái của bạn đều được soi rọi đúng mức, bạn hoàn toàn nhận thức được điều đó.
Để hiểu một cách thấu đáo giữa vô thức và chân ngã trong Thiền, các nhà tâm lý, sinh lý học thần kinh đã đưa ra những dạng thức nhằm so sánh rút ra những khác biệt giữa các dạng thức với Thiền định và đã kết luận:
Ngủ = Thụ động + Vô thức.
Thức = Tỉnh táo + Bận tâm.
Điên = Vô thức + Bận tâm.
Thiền = Thụ động + Tỉnh táo.
Những kết luận trên đây hoàn toàn phù hợp với thực tế. Khi bạn có một giấc ngủ sâu, mặc cho trên phía đầu bạn tiếng gõ bốp chát của bàn cờ tướng, tiếng còi xe rú inh tai đang chạy trên đường trước nhà bạn, tiếng chó sủa khi có khách đến nhà, bạn vẫn ngủ say và chẳng hay biết gì. Trong chiến tranh, tôi đã từng mục kích được hành động vô thức của một người điên. Khi nghe tiếng máy bay là đồng nghĩa với những loạt bom giặc Mỹ thả xuống, nhưng người điên đâu biết có chuyện đó, vẫn nhởn nhơ hát cười, vẫn thản nhiên đi tung tăng trên đường bộ, mặc kệ tiếng bom nổ, mặc kệ tiếng kêu hốt hoảng của người thân.
Như vậy, khi ngủ hay khi ở trạng thái điên hoàn toàn thoát ly với hoàn cảnh xung quanh. Đấy chính là trạng thái vô thức. Còn trong Thiền ở bất kỳ trạng thái nào cũng tỉnh táo. Khi ngồi thiền ta nghe rõ tiếng động của bước chân đi, tiếng nói cười, tiếng chuông của đồng hồ reo, tuy nhiên ta không phân biệt một cách rạch ròi từng bước chân, từng câu chữ của nội dung lời nói tiếng cười, từng tiếng chuông reo, đấy là lúc ta đang tịnh tâm, định ý. Bởi thế trong thiền định luôn cần một môi trường thật yên tĩnh để khỏi gây sự thiếu tập trung, phân tán trong tâm, ý của người Thiền.
Thiền có thể có vô thức không?! Nếu có thì sẽ xảy ra vào lúc nào và ai sẽ là người được cái “đặc ân” đó. Tôi xin trả lời bạn: Có đấy!. Không phải ai ngồi Thiền cũng đều được hưởng cái “đặc ân” vô thức, mà chỉ có những người đặc biệt, trong trạng thái đặc biệt. (Tôi nói vô thức ở người Thiền là “đặc ân” vì không phải ai cũng đạt được, khi ở trong trạng thái vô thức con người sẽ bay bổng và đi vào thế giới ảo với những điều kỳ diệu mà những người khác không thể thấy được).
Khi khảo sát và nghiên cứu trên các Thiền sư tình nguyện tham gia thực nghiệm, các nhà khoa học nhận thấy rằng, khi tâm thật tĩnh lặng, tần số rung động của não bộ xuống thấp ngang bằng với tần số của năng lượng vũ trụ (năng lượng trong vũ trụ rung động di chuyển theo dạng sóng với tần số rất thấp dưới 10 hert).
Lúc này là điều kiện cho hai nguồn năng lượng có khả năng giao hòa theo kiểu: “Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” và đạt đến đỉnh cao của sự thiền định – vô thức (lúc này Thiền đồng nghĩa với sự vô hồn. Phải chăng đấy là lúc hồn thoát khỏi xác?!). Người ta tạo ra những tiếng nổ chát chúa bên tai nhưng các Thiền sư không hề hay biết, tần số điện não không thay đổi.
Thiền sư đã thực sự vô hồn. Đó là chúng ta đang nói đến những ai tách khỏi Đời (Thiền sư, Đạo sĩ, Tu sĩ…), còn trong thực tế ta phải nói đến: Thiền là của tất cả mọi người, những đối tượng mà Đạo và Đời luôn đan xen. Trong sự mang tính phổ biến này thì ai sẽ xuất hiện khả năng vô thức. Tôi cho rằng, những người khi ngồi thiền có khả năng đạt đến vô thức là những người sẵn có: “Linh căn” (là cơ địa, là cốt tiết bên trong). Phải chăng những đặc tính đấy do gen quy định?! “Linh căn” chính là hệ gen có kiểu gen tiềm ẩn khả năng tiếp nhận nhịp điệu vũ trụ một cách nhạy bén khi có điều kiện, Đó là người “nhẹ Vía” (muốn nói đến nghiệp chướng. Quá khứ và hiện tại ít mắc phải nghiệp chướng); Đó là người “vô Tâm” (không giận hờn, không tham lam bon chen, ít quan tâm nghĩ đến Đời, mất được không quan tâm). Sự xuất hiện vô thức – vô hồn mang tính tức thời, tự nó không có quá trình, không phải tích lũy dần, từ thấp lên cao. Không phụ thuộc vào tuổi tác, giới tính, học vấn, tôn giáo. Tôi cho đó là những người “đặc biệt” bởi vì những người như thế không có nhiều.
Trong một khóa học Thiền “Trường Sinh học” có hàng trăm người và nhiều khóa học như thế có đến hàng ngàn người, thử hỏi có bao nhiêu người đạt đến khả năng vô thức – xuất hồn ra khỏi thể xác. Họ là những người có khả năng đưa năng lượng vượt ngàn cây số để chữa bệnh từ xa cho mọi người, có khả năng nhận biết được vị trí tọa độ của người mình quan tâm. Đấy chính là những người được tôn làm “Cô” làm “Thầy” (đâu có nhiều!). Những người này mặc dầu Đạo và Đời vẫn song hành, nhưng muốn khả năng đó được duy trì và phát huy thì cần phải tu luyện thường xuyên để cho Tham – Sân – Si không có cơ hội trỗi dậy trong mình, tự buông thả không dễ gì có được những khả năng mà “cơ duyên” đã mang đến. Nếu sống buông thả thì khả năng trên bị mai một, đến một lúc nào đó khả năng kỳ diệu sẽ không còn ở trong họ nữa. Điều này rất dyễ thấy ở các nhà Ngoại cảm. Tuy nhiên, có sự khác biệt giữa người Thiền và nhà Ngoại cảm về nguồn gốc tiếp biến làm xuất hiện khả năng đặc biệt.
Lời bàn trên đây là của một người mới nhập môn, đang ngồi đáy giếng để nhìn bầu trời, chắc chắn không tránh khỏi nhiều khiếm khuyết, xin quý vị miễn chấp, miễn trách và hầu mong có lời phản biện chỉ giáo.
Tác giả bài viết: Môn sinh BÌNH NGUYÊN (TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. E-mail: thangkhcnqb@gmail.com)
CỘNG ĐỒNG THIỀN CA VIỆT NAM
|